Miền Trung – dải đất dài nối liền hai miền đất nước, nơi đầy nắng, đầy gió, sở hữu những cảnh đẹp ngút ngàn và nhiều di sản văn hóa độc đáo những đường bờ biển xanh bất tận mà còn có các di sản thế giới được UNESCO công nhận tạo thành “con đường di sản” miền Trung
Để không bỏ sót những di sản này GC Travel sẽ tổng hợp và liệt kê các điểm di tích lịch sử miền Trung có giá trị vô giá mà UNESCO đã công nhận cho dải đất miền Trung này. Bạn nhớ ghi chú lại vào sổ tay du lịch miền Trung của mình nhé!
-
THÀNH NHÀ HỒ – DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI
Thành nhà Hồ là địa điểm đầu tiên trên tuyến du lịch hành trình di sản miền Trung.
Thành nhà Hồ, thuộc địa phận huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, là kinh thành của nước Việt Nam từ năm 1398 đến 1407. Đây là một trong 6 di sản ở miền Trung và là điểm du lịch không thể bỏ qua của du khách.
Đây là kinh thành của nước Việt Nam từ năm 1398 đến 1407. Trong hồ sơ di sản thế giới, thành Nhà Hồ được mô tả là một công trình kỳ vĩ bởi kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng đá lớn, cùng sự kết hợp các truyền thống xây dựng độc đáo có một không hai ở Việt Nam, khu vực Đông Nam Á trong thời kỳ cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15. Trải qua hơn 600 năm với những thăng trầm của lịch sử và tác động của thời tiết, thành nhà Hồ còn khá nguyên vẹn với những phiến đá vôi màu xanh vuông vức, xếp chồng khít lên nhau.
-
VƯỜN QUỐC GIA PHONG NHA – KẺ BÀNG
Nói đến du lịch miền Trung, không thể không nhắc đến Quảng Bình cùng cái tên nổi tiếng khắp thế giới: vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Phong Nha – Kẻ Bàng thuộc địa phận các huyện Quảng Bố Trạch, Tuyên Hóa và Minh Hóa, cách thành phố Đồng Hới 50 km về hướng Tây Bắc.
Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được đánh giá là một trong hai vùng núi đá vôi rộng nhất thế giới, nơi đây còn được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho những cảnh quan kì bí, hùng vĩ, sở hữu hệ thống hang động vô cùng ấn tượng như những lâu đài lộng lẫy trong lòng núi đá vôi được tạo tác từ hàng triệu năm trước. Ẩn chứa bao điều bí ẩn của tự nhiên, Phong Nha – Kẻ Bàng thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước trên thế giới mong muốn được khám phá, thám hiểm.
Chỉ khi tận mắt chứng kiến, bạn mới nhận ra rằng sẽ không có bất cứ từ ngữ nào đủ sức miêu tả về vẻ đẹp nơi đây vì cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng và non nước hữu tình. Dường như Phong Nha – Kẻ Bàng là nơi hội tụ tất cả vẻ đẹp hoàn mỹ nhất của thiên nhiên.
-
QUẦN THỂ DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ
Quần thể di tích Cố đô Huế trở thành di sản văn hoá đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi tên vào danh mục Di sản thế giới năm 1993.
Từ năm 1558 – 1945, Huế từng là thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn, là Kinh Đô ở Triều Đại tây Sơn, Kinh đô của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn. Quần thể di tích cố đô Huế là nơi lưu giữ tinh hoa của một thời lịch sử vàng son của dân tộc. Quần thể di tích cố đô Huế nằm dọc hai bờ bên sông Hương, thuộc tỉnh thừa Thiên Huế.
Huế sở hữu những di sản, công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn của lịch sử Việt Nam, kế thừa những nét đẹp trong văn hoá phong tục Hoàng Cung, cùng nét kiến trúc cổ kính và nền ẩm thực phong phú, đặc sắc không nơi nào sánh bằng.
Cố đô Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam, tinh hoa của nền văn hóa đậm đà bản sắc. Nói đến Huế, người ta nghĩ ngay đến những thành quách, cung điện vàng son, những đền đài miếu vũ lộng lẫy, những lăng tẩm uy nghiêm cùng với thiên nhiên sơn hủy hữu tình tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Huế bình dị, lặng lẽ, không ồn ào, tấp nập như những thành phố khác. Nếu bạn đang cần một nơi yên bình để nghỉ dưỡng hay tìm hiểu văn hóa, đừng quên ghé thăm cố đô Huế.
-
THÁNH ĐỊA MỸ SƠN
Kể đến những điểm di tích lịch sử miền trung chúng ta không thể bỏ qua đó chính là Thánh địa Mỹ Sơn nơi được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam.
Thánh địa Mỹ Sơn là một quần thể di tích tôn giáo rộng lớn với hơn 70 công trình kiến trúc độc đáo. Nơi đây bao gồm những đền chùa và tòa tháp được nối với nhau bởi những viên gạch đỏ được thiết kế tinh xảo và công phu. Dựa trên những bút tích lịch sử ghi chép lại, nền móng của khu kiến trúc Mỹ Sơn cổ đại này là một ngôi đền bằng gỗ thờ thần Siva Bhadresvera.
Thánh địa Mỹ Sơn tọa lạc trong một thung lũng kín thâm nghiêm, xung quanh có núi non hùng vĩ mây phủ. Thánh địa có hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật được tạo lập trong một thời gian dài suốt 9 thế kỷ và được đánh giá ngang hàng với các di tích nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á như Angkor, Bagan.
Vào cuối thế kỷ 16, một ngọn lửa lớn bùng lên đã thiêu hủy ngôi đền này. Qua năm tháng, các nhà khoa học dã dần vén lên bức màn bí ẩn. Thông qua các tầng đá và các triều đại hoàng gia, họ đã chứng minh được rằng Mỹ Sơn là vùng đất linh thiêng của người Chăm từ cuối thế kỷ 4 đến thế kỷ thứ 15. Được khen ngợi bởi giá trị lịch sử phong phú, công trình kiến trúc này đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1999.
- PHỐ CỔ HỘI AN
Bước chân du lịch miền Trung của hầu như du khách nào cũng không thể thiếu phố cổ Hội An – một di sản quan trọng của dải đất miền Trung.
Phố cổ Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, gồm những di sản kiến trúc đã có từ hàng trăm năm trước, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1999. Hội An có những làng nghề truyền thống, ngôi chùa cổ xưa, phố đèn lồng và những người dân chân chất, mộc mạc, vô cùng thân thiện.
Với nét đẹp kiến trúc cổ kính, mộc mạc, Hội An được ví như một bức tranh họa tình, hoài cổ làm say đắm lòng người. Là điểm đến lý tưởng nếu bạn yêu thích vẻ đẹp hoài niệm, hãy ghé phố cổ Hội An và lưu lại những trải nghiệm khó quên.
Những điểm di tích lịch sử miền trung kể trên không chỉ mang trong mình giá trị lịch sử và văn hóa mà còn là những nơi có quang cảnh khoáng đạt, tươi đẹp thích hợp cho những chuyến du lịch mùa hè về với thiên nhiên hay tour du lịch tìm hiểu lịch sử. Vậy nên, nếu có cơ hội, bạn đừng bỏ qua lịch trình lưu dấu chân trên con đường di sản miền Trung này nhé!