Miền Trung với đặc trưng khí hậu cận nhiệt đới, thời tiết khắc nghiệt quanh năm đã tạo nên những nét đặc biệt trong tính cách và đời sống văn hóa của con người ở đây. Cùng với đời sống văn hóa đa dạng này, ẩm thực miền Trung cũng mang hương vị rất độc đáo, rất riêng biệt.
Ẩm thực xứ Thanh
Nem Chua
Nem chua là đặc sản Thanh Hóa nổi tiếng. Đây cũng là món quà mà nhiều du khách thường mang theo trong vali mỗi khi du lịch Thanh Hóa trở về. Nem chua có vị giòn của bì lợn, vị chua của thịt lên men, vị cay của ớt và tỏi. Mỗi chiếc nem chua Thanh Hoá còn được lồng những lá đinh lăng, tạo nên hương vị độc đáo, khó có thể thấy ở những nơi khác. Nem chua ngon nhất là khi chấm cùng tương ớt, uống với chút bia mát lạnh. Thời gian ủ nem tuỳ thuộc vào mùa, thường từ 6-8 tiếng.
Ẩm thực xứ Nghệ
Cháo lươn Nghệ An
Nhắc đến ẩm thực xứ Nghệ, món ăn không thể không thể nhắc đến chính là miến lươn/ cháo lươn/ súp lươn, vừa là đặc sản mà cũng là niềm tự hào của người dân ở đây; lươn được nấu phải là lươn đồng, thịt săn, người ta rọc thịt lươn bằng cật tre chứ không dùng dao để mổ, thịt lươn nấu ra vừa mềm, vừa ngọt, không quá dai mà cũng không quá nhão.
Hà Tĩnh
Kẹo cu đơ
Bất cứ du khách nào du lịch Hà Tĩnh đều mang kẹo cu đơ về làm quà. Đây còn là đặc sản miền Trung nổi tiếng, là món ăn tuổi thơ của rất nhiều đứa trẻ. Kẹo cu đơ Hà Tĩnh gồm nhiều lớp gồm bánh đa, mạch nha, lạc, mật mía. Khi ăn, kẹo có vị thơm nồng của gừng, vị giòn của bánh đa, vị dai của lớp mật mía, rất thú vị.
Bánh ngào
Bánh ngào là một món ăn miền Trung dễ làm, thường được nấu trong dịp Tết. Từng chiếc bánh tròn nhỏ nằm giữa lớp mật sóng sánh, thơm phức mùi gừng. Khi ăn thấy rõ vị cay nồng của gừng, vị ngọt ngào của mật. Bánh ngào Hà Tĩnh còn được dùng làm thức quà tráng miệng, tạo vị thơm sau khi kết thúc bữa ăn.
Ẩm thực xứ Huế
Món ăn Huế có hương vị đậm đà và rất rõ ràng, đầy đủ hương vị, từ chua, cay, mặn, ngọt đến đắng, cay, béo, bùi, tuy mang đầy đủ hương vị nhưng khi nấu, vị nào đều ra vị nấu, khi ăn có thể cảm nhận rõ ràng. Đặc biệt, người Huế nấu ăn khá đậm vị và rất chuộng ăn cay
Ẩm thực cung đình Huế
Ẩm thực cung đình Huế là những món ăn ngự thiện được chế biến để dâng lên vua trước đây. Tất cả những món ăn này xếp vào hàng cao lương mỹ vị và được làm rất cầu kỳ, công phu vừa đẹp mắt, ngon miệng lại vừa bổ dưỡng. Chính vì vậy, ẩm thực cung đình Huế không chỉ có bàn tay của các đầu bếp mà còn có sự tham gia của Thái y viện để đảm bảo nguồn nguyên liệu kết hợp hoàn hảo nhất.
Ẩm thực ngự thiện tiêu biểu nhất chính là bát trân – 8 món ăn quý hiếm cho giới vua quan, bao gồm nem công, chả phượng, da tây ngưu, bàn tay gấu, gân nai, môi đười ươi, thịt chân voi và yến sào. Đây là 8 món ăn quý nhất, nhưng không phải lúc nào cũng có trong thực đơn. Các món chè ngọt thanh bổ dưỡng, có thể kể đến như chè yến, chè long nhãn,… cũng là ngự món ăn cung đình nổi tiếng.
Ẩm thực dân gian
- Cơm hến – đặc sản mang đậm phong vị xứ Huế
Cơm hến tuy không phải là món ăn quá đặc biệt và có thể tìm thấy ở nhiều nơi nhưng ở Huế, món ăn này lại trở thành đặc sản nhờ hương vị khác biệt. Cơm hến được làm từ cơm trắng nấu chín để nguội, sau đó cho thêm hến, tóp mỡ, mắm ruốc cùng một số gia vị, ăn kèm với rau sống, bắp chuối, giá đỗ và ít thân khoai môn trắng thái nhỏ.
- Bún bò Huế
Nhắc đến đặc sản Huế chắc chắn không thể bỏ qua món bún bò Huế trứ danh mang hương vị đậm đà, cay nhẹ đặc trưng của người miền trung mà chẳng có được ở nơi đâu. Một bát bún bò Huế đầy đủ thường có thịt bò, huyết, móng giò, chả bò và chả cua, đặc biệt sợi bún phải là loại to, dày chứ không phải bún sợi nhỏ như ở miền bắc hay nam.
- Chè Huế – món ngon mà thanh tao
Nhắc đến huế mà bỏ qua món chè thì quả là thiếu sót bởi đây là món đặc sản làm nên tinh hoa ẩm thực xứ Huế. Ở Huế có hàng trăm loại chè, mỗi loại đều có hương vị khác nhau và được chế biến khá cầu kỳ như chè hạt sen, chè nhãn bọc hạt sen, chè sương sa hột lựu, chè thịt quay, chè môn sáp vàng, chè bông cau,…
- Các loại bánh
Người Huế có rất nhiều loại bánh chế biến từ bột gạo, nổi tiếng nhất là các món bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc và bánh khoái. Tùy từng loại bánh mà có thể ăn kèm nước mắm mặn, mắm ngọt hay bánh khoái thì ăn với nước lèo, nhưng nhìn chung, thức quà bánh này là món ăn rất dễ gây nghiện.
Ẩm thực xứ Quảng
Quảng Nam
Mì Quảng là món ăn rất đặc trưng của Quảng Nam, là món ăn dùng để tiếp đãi, giới thiệu đến du khách nét văn hóa của người dân đất Quảng. Còn khi ghé thăm Hội An, du khách không thể bỏ qua món Cao lầu. Một bát Cao lầu gồm có sợi mì vàng, tôm, thịt heo, các loại rau sống cùng với ít nước dùng.
Ẩm thực Quảng Nam với mì Quảng, Cao lầu, bánh canh, bê thui Cầu Mống… đã góp một phần không nhỏ vào sự phong phú của ẩm thực miền Trung – mảnh đất đầy nắng gió.
Cao lầu
Đặc sản Quảng Nam luôn luôn có sự lôi cuốn với khách du lịch. Một trong số đó là cao lầu, niềm tự hào của người dân nơi đây, từ tên gọi đến cách chế biến món ăn này. Sợi mì cao lầu muốn dai giòn cần trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Khi ăn, đầu bếp sẽ đặt vài miếng thịt heo thái mỏng lên trên lớp mì, chan với nước dùng, ăn kèm cùng rau đắng, húng lủi thì thật là ngon
Quảng Bình
Bánh canh
Bánh canh Quảng Bình là đặc sản miền Trung dân dã, mang đậm hương vị địa phương. Món ăn này được tạo nên bởi sự kết hợp khéo léo giữa nước hầm ninh từ xương heo cùng các nguyên liệu như tôm, chả, thịt cùng với các loại rau thơm. Để làm nên bánh canh Quảng Bình, người dân có cách sơ chế rất tỉ mỉ. Vì vậy, đây còn là đặc sản Quảng Bình níu chân bao du khách.
Cháo canh
Cháo canh Quảng Bình là món ăn sáng quen thuộc mà bình dị của người dân nơi đây. Cháo canh được làm từ bột mì nhào nặn và cắt thành sợi dai mềm vừa ăn, nấu chung với xương heo, chả cá, tôm, cua. Khi ăn kèm với hành tây, rau thái nhỏ. Bên cạnh bát cháo canh có kèm một chén mắm ớt cay để thêm đậm vị.
Bánh xèo
Có thể nói, bánh xèo là đặc sản 3 miền Bắc Trung Nam nhưng ở Quảng Bình, bánh xèo lại mang hương vị độc đáo hơn cả. Món bánh này được làm từ bột gạo lứt, sau đó trộn cùng với hành hẹ để tạo sự khác biệt. Nếu như các bánh xèo khác đều có nhân tôm thịt ở bên trong thì bánh xèo Quảng Bình ngược lại, không có bất cứ một loại nhân gì. Thay vào đó, bánh xèo được ăn cùng rau sống, chấm mắm pha tỏi, ớt, chanh, đường
Chả cá Sa Huỳnh – Quảng Ngãi
Nổi tiếng ở Quảng Ngãi chính là món chả cá Sa Huỳnh. Cá làm chả cá là cá nhồng, cá chuồn, cá thu,… sau khi mang về thì được làm sạch rồi nạo thịt ra khỏi xương, đem thịt xay nhuyễn với gia vị và lòng trắng trứng gà để chả thêm dai sau đó nặn thành lát rồi cho vào dĩa. Chả có thể chế biến theo nhiều cách như hấp, chiên, có thể ăn kèm với cơm hay bún nước lèo, hoặc ăn kèm khế chua, chuối chát và rau thơm.
Đà Nẵng
Bánh tráng cuốn thịt heo
Du lịch Đà Nẵng hẳn bạn sẽ không quên thưởng thức hương vị đặc sản miền Trung qua món bánh tráng cuốn thịt heo. Thịt heo là phần thịt vai và mông có xen chút mỡ, tạo độ béo khi luộc. Bánh tráng có độ dai, mềm vừa phải. Khi ăn, bạn chỉ cần cuốn thịt với bún, ít rau sống có vị cay, chua, chát, ngọt như xà lách, húng quế, dưa chuột, chuối… chấm cùng với bát mắm nêm đậm đà.
Gỏi cá Nam Ô Đà Nẵng
Nếu Kiên Giang nổi tiếng với món gỏi cá trích, thì Đà Nẵng làm say lòng người bởi món Gói cá Nam Ô. Nam Ô là làng chài Nam Ô, người dân ở đây quanh năm sống bằng nghề chài lưới nên những món ăn chế biến từ cá tươi hay hải sản cũng đều ngon hơn các vùng khác.
Dù cá dùng làm gỏi cũng là cá trích giống Kiên Giang, nhưng cách làm ở Đà Nẵng có đôi chút khác, mang nét đặc sắc của Trung Bộ. Linh hồn của gỏi cá Nam Ô là nước chấm mè đậu phộng
Bình Định
Bình Định là có bánh ít lá gai. Vị dẻo thơm, ngọt bùi của chiếc bánh đã trở thành dư vị khó quên trong lòng những ai đã từng nếm qua thứ bánh ấy. Bánh ít lá gai là đặc sản của đất võ Bình Định, về sau lan rộng ra các tỉnh thành và trở nổi tiếng trong văn hóa ẩm thực miền Trung. Dù đi đâu xa, người con xứ sở vẫn không quên dáng hình những chiếc bánh trông tựa như tháp Chàm cổ kính.
Phan Thiết
Lẩu cá bớp
Lẩu cá bớp đượcc xem là món ngon Phan Thiết danh bất hư truyền. Nước lẩu đậm đà đủ vị chua, cay, mặn, ngọt. Thịt cá tươi vừa dai vừa thơm, gọi thêm trứng cá và bao tử cá, thêm tóp mỡ béo giòn, ngổ và vài lát ớt là ngon xuất sắc. Ngoài ra, bún và rổ rau to bự có rau đắng, bắp chuối, rau muống bào, giá đỗ nhúng nhúng ăn không biết chán là gì. Đừng quên chén mắm ớt chuẩn bị biển cho đúng điệu Phan Thiết
Nước mắm Phan Thiết
Nước mắm Phan Thiết – một đặc sản rất nổi tiếng của vùng đất biển Bình Thuận và có mặt ở hầu hết thị trường trong nước. Nước mắm được làm chủ yếu từ cá cơm và muối hạt, loại cá cơm làm ngon nhất là cá cơm than và cá sọc tiêu. Chất lượng của nước mắm cũng được cho là phụ thuộc vào thời gian đánh bắt cá, ngon nhất là cá tháng tám. Nước mắm ủ xong trong veo màu hổ phách, tỏa ra mùi thơm phức.
Ẩm thực Phú Yên
Bánh bèo chén
Bánh bèo Phú Yên có hương thơm ngọt của nhân chà bông rắc cùng mỡ hành và chấm với nước chấm chua ngọt đặc trưng. Mỗi chiếc bánh được đặt gọn gàng trong một cái chén nhỏ xinh càng làm tăng thêm sức hấp dẫn với thực khách khi thưởng thức.
Bánh hỏi lòng heo
Đây là một trong những món ăn không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của người dân Phú Yên. Bánh hỏi được làm từ gạo xay nhuyễn, pha thành hỗn hợp sệt sau đó dùng khuôn ép bột đã tạo khối thành bánh, hấp cách thủy để làm chín. Bánh hỏi ăn kèm với lòng heo hoặc thịt nướng, chấm thêm cùng nước mắm pha chua chua ngọt ngọt. Miếng bánh ăn thơm đậm mùi gạo và không hề bị khô.
Cháo hàu
Trong các món chế biến từ hàu thì cháo hàu là món ăn phổ biến nhất ở Phú Yên ở đâu. Nếu bạn đã đến Phú Yên thì nhớ đừng bỏ lỡ món cháo hàu nóng hổi – bổ rẻ này.
Tô cháo hàu đặc biệt với nhiều hàu, đập thêm 2 quả trứng gà ta béo ngậy vào. Khi ăn, bỏ thêm chút hành băm và vài miếng gừng, bẻ miếng bánh tráng và trộn đều lên và bắt đầu thưởng thứ
Ẩm thực Tây Nguyên
Nổi tiếng là vùng đất đỏ bazan, ngoài thiên nhiên hùng vĩ, món ăn của Tây Nguyên còn gây ấn tượng với những người đến thăm bằng hương vị núi rừng không đâu có được.
Cơm lam
Độc đáo không kém rượu cần là món cơm lam, xuất phát chủ yếu từ việc người dân phải đi làm nương rẫy. Cơm được nấu từ gạo nếp, ngoài ra cũng có thể sử dụng dừa nạo, nước cốt dừa, vừng trộn với gạo, ngon nhất vẫn là khi nấu với nước suối trong mát. Gạo được cho vào ống tre, nứa,… và nướng trên bếp. Khi cơm chín, chẻ khéo léo lớp vỏ cháy đen bên ngoài sẽ thấy lớp lạt giang mỏng bọc lấy ruột cơm.
Rượu Cần
Trong văn hóa sinh hoạt ăn uống của người Tây Nguyên thì tuyệt nhiên không thể thiếu rượu cần. Tại Tây Nguyên, Rượu Cần là sản vật xuất hiện ở mọi nơi, trong cuộc sống hay văn hóa sinh hoạt xã hội của người dân. Ý nghĩa Rượu Cần với con người Tây Nguyên:
Với người dân miền núi rừng, họ tôn thờ thần linh nhưng bởi trong quan niệm xưa, thần linh đã ban sự sống cũng như mọi vật trên dân gian. Rượu Cần là lễ vật được sử dụng để dâng kính lên các vị Thần, mong họ sẽ ban mưa thuận, gió hòa. Hơn nữa, Rượu Cần như là cách thức để người dân đến gần hơn với đấng tối cao và giao tiếp với họ.
Trên đây chưa thể nào kể hết được toàn bộ các món ăn đặc sản hấp dẫn của miền Trung. Có thể nói ẩm thực miền Trung vô cùng phong phú về số lượng món ăn và hương vị, trong đó nét đặc trưng nhất là sở thích đậm đà, cay nồng trong các món ăn. Trải nghiệm thưởng thức hương vị các món ăn miền Trung quả thực là độc đáo, hấp dẫn đối với khách du lịch.